Mở đầu
THÁNH KINH LÀ GÌ?
Thánh Kinh là một tựa được dùng trong nhiều thế kỷ qua để mô tả một tập hợp gồm hai nhóm sách: Cựu Ước và Tân Ước. Từ ngữ Thánh Kinh bắt nguồn từ gốc Hi-lạp “biblios” có nghĩa là “sách.” Còn danh từ “ước” có nghĩa là “giao ước” hay lời của Thượng Đế hứa ban phúc lành cho dân Ngài. Cựu Ước gồm các sách nói đến giao ước mà Thượng Đế lập với dân Do-thái (Ít-ra-en) vào thời kỳ ông Mô-se. Còn Tân Ước là nhóm sách nói đến giao ước mà Ngài lập với mọi người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Các sách trong Cựu Ước thuật lại những việc lớn lao mà Thượng Đế làm cho dân Do-thái đồng thời cho chúng ta thấy chương trình của Ngài dùng dân ấy để mang phúc lành cho toàn thể nhân loại. Các sách nầy hướng về ngày Đấng Cứu Thế (còn gọi là Đấng Mê-si) mà Thượng Đế sai đến để thực hiện chương trình của Ngài.
Tân Ước mô tả Đấng Cứu Thế (tức Chúa Giê-xu) giáng thế làm người trên thế gian và ý nghĩa của việc Ngài giáng thế cho toàn thể nhân loại. Chúng ta cần biết về Cựu Ước để hiểu Tân Ước vì Cựu Ước cho chúng ta thấy bối cảnh chung. Còn Tân Ước thì hoàn tất câu chuyện cứu rỗi đã bắt đầu trong Cựu Ước.
CỰU ƯỚC
Cựu Ước gồm 39 sách do nhiều tác giả khác nhau viết ra. Đa số các sách nầy được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, một ngôn ngữ xưa của Ít-ra-en. Có một vài khúc viết bằng tiếng A-ram, một ngôn ngữ quốc tế thời bấy giờ. Vài phần của Cựu Ước được viết cách đây hơn 3.500 năm. Quyển đầu và quyển cuối của Cựu Ước cách nhau hơn 1.000 năm. Những sách trong Cựu Ước gồm các thể loại: luật pháp, lịch sử, văn xuôi, bài ca, thơ phú và những lời giáo huấn của các bậc thông thái.
Cựu Ước thường được chia ra làm ba phần chính: Luật pháp, Tiên tri, và Văn Thơ. Phần Luật Pháp gồm năm sách gọi là “Ngũ Kinh của Mô-se.” Sách đầu tiên là Sáng thế. Sách nầy cho chúng ta biết thế giới bắt đầu từ đâu, người đàn ông và đàn bà đầu tiên được dựng nên ra sao, và tội lỗi đầu tiên họ đã phạm nghịch lại Thượng Đế như thế nào. Sách Sáng thế nói về Cơn Lụt Lớn và cho chúng ta biết nguồn gốc của quốc gia Ít-ra-en là dân tộc được Thượng Đế lựa chọn cho mục đích đặc biệt của Ngài.
CÂU CHUYỆN ÁP-RA-HAM
Thượng Đế lập giao ước với Áp-ra-ham, một nhân vật nổi danh có đức tin lớn. Trong giao ước đó Ngài hứa sẽ làm cho Áp-ra-ham trở thành tổ tiên của một quốc gia lớn, đồng thời sẽ cho ông và dòng dõi của ông vùng đất Ca-na-an. Áp-ra-ham chịu phép cắt dương bì để chứng tỏ ông chấp nhận giao ước ấy. Phép cắt dương bì trở thành dấu hiệu về giao ước giữa Thượng Đế và dân Ngài. Áp-ra-ham không biết Thượng Đế làm cách nào để thực hiện những điều Ngài đã hứa nhưng ông tin tưởng nơi Thượng Đế. Điều đó khiến Thượng Đế rất vừa lòng.
Ngài bảo Áp-ra-ham rời nơi ông ở giữa những người Hê-bơ-rơ thuộc vùng Mê-xô-bô-ta-mi và dẫn ông đến Ca-na-an (còn gọi là Pha-lét-tin) là đất hứa. Khi về già Áp-ra-ham sinh được một con trai đặt tên là Y-sác. Y-sác sinh một trai tên Gia-cốp. Gia-cốp (cũng có tên là Ít-ra-en) sinh được mười hai con trai và một con gái. Gia đình nầy trở thành dân tộc Ít-ra-en nhưng họ không quên nguồn gốc gồm các chi tộc của họ. Họ tiếp tục gọi mình là mười hai chi tộc (hay “gia tộc”) của Ít-ra-en tức là dòng dõi của mười hai con trai của Gia-cốp: Ru-bên, Xi-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Đan, Náp-ta-li, Gát, A-xe, Y-xa-ca, Xa-bu-lôn, Giô-xép, và Bên-gia-min. Ba ông tổ chính: Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp (Ít-ra-en) được gọi là các “tổ phụ” hay “tổ tiên” của quốc gia Ít-ra-en.
Áp-ra-ham còn là “cha” dưới một hình thức khác. Vào thời cổ xưa của Ít-ra-en, nhiều lần Thượng Đế kêu gọi một số người để nói thay cho Ngài. Những nhân vật đặc biệt nầy được gọi là các nhà tiên tri, người đại diện cho Thượng Đế trước mặt dân chúng. Qua những nhà tiên tri ấy Thượng Đế ban các lời hứa cho dân Ít-ra-en, những lời cảnh cáo, luật lệ, nhiều sự dạy bảo, những bài học rút ra từ kinh nghiệm quá khứ và bài học dựa vào các biến chuyển tương lai. Áp-ra-ham, “người Hê-bơ-rơ” là vị tiên tri đầu tiên mà Thánh Kinh đề cập tới.
ÍT-RA-EN ĐƯỢC GIẢI PHÓNG KHỎI ÁCH NÔ LỆ
Gia đình của Gia-cốp (tức Ít-ra-en) gia tăng lên đến 70 người gồm con cháu của ông. Một trong các con trai của Gia-cốp là Giô-xép trở thành một vị quan lớn trong nước Ai-cập. Cuộc sống trở thành khó khăn nên Gia-cốp và gia đình di cư sang Ai-cập, nơi có thực phẩm dồi dào khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Chi tộc Hê-bơ-rơ ấy dần dần trở thành một dân tộc bé nhỏ. Pha-ra-ôn, vua Ai-cập bắt họ làm nô lệ. Sách Xuất Ai-cập cho chúng ta thấy sau 400 năm, Thượng Đế dùng nhà tiên tri Mô-se giải phóng dân Ít-ra-en ra khỏi ách nô lệ của Ai-cập và mang họ về lại nước Pha-lét-tin. Cái giá phải trả cho tự do nầy khá cao, tuy nhiên những người trả giá ấy là dân Ai-cập. Pha-ra-ôn và các gia đình Ai-cập bị thiệt mất các con đầu lòng trước khi Pha-ra-ôn cho dân Ít-ra-en ra đi tự do. Con đầu lòng phải chết để dân chúng được tự do. Người Ít-ra-en về sau nhớ mãi điều nầy trong cách thờ phụng và các sinh tế của họ.
Người Ít-ra-en sẵn sàng lên đường tìm tự do. Họ chuẩn bị và nai nịt đàng hoàng để thoát ly nước Ai-cập. Mỗi gia đình giết và quay một con chiên con. Họ lấy máu của con chiên và bôi trên cột cửa để làm dấu hiệu cho Thượng Đế. Họ vội vã nướng bánh mì không men và dùng bữa. Đêm đó Thiên sứ của Chúa đi qua cả nước. Nếu nhà nào không có dấu máu của chiên con bôi trên cột cửa thì con đầu lòng của nhà ấy bị giết. Còn dân Ít-ra-en thì được giải phóng. Nhưng khi các người nô lệ là dân Ít-ra-en sắp sửa rời Ai-cập thì Pha-ra-ôn đổi ý. Ông cho quân đuổi theo định bắt các nô lệ Ít-ra-en trở lại nhưng Thượng Đế cứu dân Ngài. Thượng Đế rẽ nước Hồng hải cho dân chúng băng qua bờ bên kia. Ngài tiêu diệt đạo quân Ai-cập đang đuổi theo. Rồi tại một địa điểm thuộc vùng bán đảo Ả-rập, trên một ngọn núi trong vùng sa mạc Si-nai, Thượng Đế lập một giao ước đặc biệt với họ.
LUẬT LỆ MÔ-SE
Sự giải cứu của Thượng Đế cho dân Ít-ra-en và giao ước của Ngài với họ trên núi Si-nai khiến dân nầy khác biệt với các dân khác. Giao ước đó gồm những lời hứa và luật lệ cho dân Ít-ra-en. Một phần của giao ước gọi là Mười Mệnh Lệnh được Thượng Đế viết trên hai bảng đá và trao cho dân chúng. Các mệnh lệnh đó ghi lại những nguyên tắc căn bản cho đời sống mà Thượng Đế muốn dân Ít-ra-en phải noi theo. Các mệnh lệnh nói trên gồm nhiệm vụ của dân Ít-ra-en đối với Thượng Đế, đối với gia đình và đối với những người khác trong cuộc sống hằng ngày.
Mười Mệnh Lệnh và các qui tắc cùng những sự dạy dỗ khác được ban cho trên núi Si-nai gọi là “Luật Mô-se” hay nói vắn tắt là “Luật pháp.” Nhiều khi danh từ “Luật pháp” được dùng để nói đến năm sách đầu tiên trong Thánh Kinh và đôi khi dùng cho toàn thể Cựu Ước.
Ngoài Mười Mệnh Lệnh và các qui tắc về cách xử thế khác, Luật Mô-se còn ghi lại những qui tắc dành cho các thầy tế lễ, các của dâng, nghi thức thờ phụng và các ngày thánh. Các qui tắc ấy được ghi trong sách Lê-vi. Theo luật Mô-se thì các thầy tế lễ cùng những người trợ giúp đều phải xuất thân từ chi tộc Lê-vi. Những người trợ giúp ấy gọi chung là “người Lê-vi.” Thầy tế lễ quan trọng nhất gọi là thầy tế lễ tối cao.
Luật pháp ghi lại những chỉ thị về việc xây dựng Lều Thánh (“Đền Tạm”) hay Lều Họp, tức là nơi mà dân Ít-ra-en đến để thờ phụng Thượng Đế. Lều ấy chuẩn bị cho dân Ít-ra-en trong việc xây dựng đền thờ tức tòa nhà thánh ở Giê-ru-sa-lem trên núi Xi-ôn mà sau nầy dân chúng đi đến để thờ phụng Ngài. Các qui tắc về những của lễ dâng hiến và thờ phụng khiến cho dân chúng thấy họ đã phạm tội với nhau và với Thượng Đế. Nhưng những qui tắc nầy cũng chỉ cho họ con đường để được tha tội và hòa thuận lại với nhau và với Thượng Đế. Những của lễ hi sinh ấy giúp họ hiểu rõ hơn về sinh tế mà Thượng Đế chuẩn bị ban cho toàn thể nhân loại.
Luật pháp cũng ghi lại những chỉ thị về việc kỷ niệm các ngày thánh hay ngày lễ. Mỗi ngày lễ có ý nghĩa riêng. Một số ngày lễ là dịp vui mừng kỷ niệm những ngày đặc biệt trong năm chẳng hạn như lễ ăn mừng mùa gặt để kỷ niệm Hoa Quả Đầu Mùa, lễ Sa-bu-ốt (tức lễ Thất Tuần hay lễ Các Tuần), và lễ Xu-cốt (lễ Lều Tạm hay Chòi Lá).
Một vài lễ để kỷ niệm những việc kỳ diệu Thượng Đế đã làm cho dân Ngài. Lễ Vượt Qua là một trong những kỷ niệm đó. Mỗi gia đình tưởng nhớ lại cuộc trốn thoát khỏi Ai-cập. Dân chúng ca hát tôn ngợi Thượng Đế. Người ta giết một con chiên con và chuẩn bị bữa ăn. Ly rượu hay một miếng thức ăn nhỏ nhắc cho dân chúng nhớ lại những gì Thượng Đế đã làm để giải cứu họ khỏi cuộc sống vất vả và đau khổ.
Các lễ khác có tầm quan trọng đặc biệt hơn. Mỗi năm, vào ngày Đại lễ Chuộc Tội, dân chúng phải nhớ lại những điều sai lầm mình đã làm cho người khác và cho Thượng Đế. Đó là một ngày đau buồn, ngày mà dân chúng nhịn ăn. Trong ngày ấy thầy Tế Lễ Tối Cao dâng các của lễ đặc biệt để chuộc tội cho dân chúng.
Giao Ước giữa Thượng Đế và dân Ít-ra-en có một tầm quan trọng đặc biệt cho những tác giả của Cựu Ước. Hầu hết các sách mà những nhà Tiên tri viết và các sách thánh đều dựa trên căn bản là nước Ít-ra-en và mỗi một công dân, đã có một giao ước đặc biệt với Thượng Đế mà họ gọi là “Giao Ước của Chúa” hay gọi vắn tắt hơn là “Giao Ước.” Các sách lịch sử giải thích những biến chuyển dựa theo Giao Ước ấy: Nếu cá nhân hay dân tộc trung thành với Thượng Đế và Giao Ước thì Ngài sẽ ban thưởng. Nếu họ bỏ bê hoặc lơ là với Giao Ước, Thượng Đế sẽ trừng phạt họ. Ngài sai các nhà tiên tri đến để nhắc nhở dân chúng về giao ước của họ với Thượng Đế. Các thi sĩ Ít-ra-en hát nhiều bài ca ngợi những điều kỳ diệu mà Thượng Đế làm cho ai vâng lời Ngài. Họ than khóc về những sự đau khổ và trừng phạt xảy đến cho ai không vâng phục Thượng Đế. Các tác giả nầy đặt căn bản về những ý niệm sai hay đúng trên lời dạy dỗ của Giao Ước. Còn khi những người vô tội gặp cảnh khốn khổ thì các thi nhân ấy băn khoăn tìm hiểu nguyên nhân tại sao.
QUỐC GIA ÍT-RA-EN
Lịch sử của dân tộc Ít-ra-en xưa là lịch sử của một dân tộc từ bỏ Thượng Đế, được Ngài giải cứu, dân chúng quay trở về cùng Thượng Đế rồi cuối cùng lại bỏ Ngài. Cái vòng lẩn quẩn nầy bắt đầu ngay sau khi dân chúng chấp nhận giao ước của Thượng Đế, rồi cứ thế mà diễn lại. Tại núi Si-nai, dân Ít-ra-en đồng ý đi theo Thượng Đế nhưng họ chống nghịch Ngài nên phải đi lang thang trong sa mạc suốt 40 năm. Cuối cùng, Giô-suê, người kế vị Mô-se dẫn dắt dân chúng vào đất hứa. Lúc đầu họ chiếm đóng và định cư một phần trong đất Ít-ra-en. Suốt mấy trăm năm sau cuộc chiếm đóng đó, có các lãnh tụ địa phương gọi là các quan án, cai trị dân chúng.
Sau cùng dân chúng đòi cho được một vị vua. Vua đầu tiên là Sau-lơ. Ông không vâng lời Thượng Đế nên Ngài chọn một người chăn chiên tên Đa-vít làm vua mới, thay thế Sau-lơ. Nhà tiên tri Sa-mu-ên đến đổ dầu trên đầu Đa-vít để bổ nhiệm ông làm vua dân Ít-ra-en. Thượng Đế hứa rằng các vị vua tương lai của Ít-ra-en đều sẽ là con cháu Đa-vít thuộc chi tộc Giu-đa. Đa-vít chiếm được thành Giê-ru-sa-lem và chọn thành ấy làm thủ đô và là địa điểm tương lai của đền thờ. Ông tổ chức các thầy tế lễ, các nhà tiên tri, các người soạn nhạc, các nhạc sĩ, và các ca sĩ trong những buổi thờ phụng trong đền thờ. Đa-vít cũng đích thân soạn nhiều bài ca (thi thiên), nhưng Thượng Đế không cho phép ông xây đền thờ.
Khi Đa-vít về già và sắp qua đời, ông chỉ định con trai là Sô-lô-môn làm vua dân Ít-ra-en. Đa-vít dặn con ông phải luôn luôn đi theo Thượng Đế và tuân giữ Giao Ước. Sau khi lên ngôi, Sô-lô-môn xây cất đền thờ và nới rộng lãnh thổ Ít-ra-en. Đó là thời kỳ cực thịnh của nước Ít-ra-en. Vua Sô-lô-môn rất nổi danh. Đó là thời kỳ toàn thịnh của nước Ít-ra-en.
GIU-ĐA VÀ ÍT-RA-EN, QUỐC GIA BỊ CHIA ĐÔI
Khi Sô-lô-môn qua đời thì xảy ra cuộc nội chiến, quốc gia bị chia đôi. Mười chi tộc miền Bắc lấy tên là Ít-ra-en. Các chi tộc miền Nam lấy tên là Giu-đa. (Danh từ “Do-thái” mà ngày nay người ta dùng, gọi từ tên ấy.) Quốc gia Giu-đa trung thành với Giao ước và triều đại Đa-vít (tức là những vua kế tiếp thuộc cùng một dòng họ) tiếp tục cai trị Giê-ru-sa-lem cho đến khi Giu-đa bị xâm chiếm, và dân chúng bị người Ba-by-lôn đày ra nước ngoài.
Vương quốc miền Bắc (Ít-ra-en) có bảy triều vua lên cai trị rồi sụp đổ vì dân chúng không giữ luật pháp. Suốt các triều đại, những vua Ít-ra-en chọn nhiều thành phố khác nhau làm thủ đô và thủ đô cuối cùng là Xa-ma-ri. Muốn củng cố quyền hành trên dân chúng, các vua Ít-ra-en đổi cách thờ phụng Thượng Đế. Họ chọn các thầy tế lễ mới và xây cất hai đền thờ: một ở vùng Đan (nằm trên biên giới phía Bắc của Ít-ra-en) và một ở Bê-tên (nằm dọc theo biên giới giữa Ít-ra-en và Giu-đa). Hai quốc gia Ít-ra-en và Giu-đa thường đánh nhau luôn.
Trong thời gian nội chiến và khốn khổ ấy thì Thượng Đế sai nhiều nhà tiên tri đến với Giu-đa và Ít-ra-en. Một số nhà tiên tri là các thầy tế-lễ; số khác làm nghề nông. Có người làm cố vấn cho các vua, có người sống một cuộc đời bình dị. Vài nhà tiên tri viết lại những sự dạy dỗ và các lời tiên tri của họ, còn nhiều người khác không ghi lại điều gì. Nhưng hầu hết các nhà tiên tri đến để truyền giảng về công lý, lẽ phải, và tinh thần nhờ cậy Thượng Đế.
Nhiều nhà tiên tri cảnh cáo dân chúng rằng họ sẽ bị đánh bại và bị tản lạc nếu họ không quay trở về cùng Thượng Đế. Một số các nhà tiên tri nhìn thấy trước tương lai huy hoàng cùng những sự trừng phạt. Lắm người trong vòng họ hướng nhìn về tương lai khi một vua mới sẽ đến cai trị quốc gia. Họ xem vị vua ấy thuộc con cháu vua Đa-vít để hướng dẫn dân tộc của Thượng Đế vào một thời đại hoàng kim. Vài người tiên đoán trước rằng vị vua nầy sẽ cai trị một nước đời đời. Một số nhà tiên tri khác xem vị vua ấy như một đầy tớ phải chịu nhiều khốn khổ để mang dân chúng trở về với Thượng Đế. Nhưng tất cả mọi nhà tiên tri đều xem Ngài như là Đấng Mê-si, tức là người được Thượng Đế chọn hay được Ngài xức dầu để dựng nên một thời đại mới.
SỰ TIÊU HỦY QUỐC GIA ÍT-RA-EN VÀ GIU-ĐA
Dân chúng Ít-ra-en xem thường những lời cảnh cáo của Thượng Đế cho nên vào năm 722/721 trước Công nguyên, Xa-ma-ri rơi vào tay quân A-xi-ri. Dân Ít-ra-en bị bắt và bị phân tán khắp đế quốc A-xi-ri. Quân A-xi-ri mang các người ngoại quốc vào định cư trong đất Ít-ra-en. Những người nầy học được tôn giáo của Giu-đa và Ít-ra-en. Nhiều người trong vòng họ cố gắng tôn trọng Giao ước. Sau nầy họ trở thành dân Xa-ma-ri. Sau đó quân A-xi-ri tìm cách tấn công Giu-đa. Một số thành phố rơi vào tay họ nhưng Thượng Đế giải cứu Giê-ru-sa-lem. Vua A-xi-ri bị thua liền trở về nước và bị hai con trai giết chết, thế là Giu-đa thoát nạn.
Dân chúng Giu-đa chỉ thay đổi lòng trong một thời gian ngắn thôi. Họ bắt đầu vâng lời Thượng Đế nhưng cuối cùng họ cũng bị đánh bại và bị phân tán. Quốc gia Ba-by-lôn trở nên hùng cường và tấn công Giu-đa. Lúc đầu quân Ba-by-lôn chỉ bắt một số người quan trọng làm tù binh. Nhưng vài năm, khoảng 587/586 trước Công nguyên, họ trở lại và tiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ. Một số dân trốn thoát qua Ai-cập, còn đa số bị bắt làm nô lệ sang Ba-by-lôn. Một lần nữa Thượng Đế sai các nhà tiên tri đến cùng dân chúng và họ bắt đầu chịu nghe các vị ấy. Hình như việc tiêu hủy đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem cùng việc lưu đày sang Ba-by-lôn khiến dân chúng tỉnh thức thật sự. Các nhà tiên tri càng nói nhiều thêm về một vua mới và nước của Ngài. Giê-rê-mi, một trong những nhà tiên tri cũng nói đến một Giao Ước Mới. Giao Ước Mới nầy sẽ không được viết trên các bảng đá mà viết trên lòng của dân Chúa.
DÂN DO-THÁI TRỞ VỀ XỨ PHA-LÉT-TIN
Trong lúc ấy, vua Xi-ru lên cầm quyền đế quốc Mê-đi Ba-tư và chiến thắng Ba-by-lôn. Vua Xi-ru cho phép dân chúng hồi hương. Thế là 70 năm sau khi bị tù đày, nhiều người Giu-đa trở về quê cha đất tổ. Họ tìm cách xây dựng lại quốc gia, nhưng nước Giu-đa vẫn nhỏ bé và yếu ớt. Họ xây dựng lại đền thờ. Tuy nhiên đền thờ mới không đẹp bằng đền thờ mà vua Sô-lô-môn đã xây. Nhiều người chân thành quay về cùng Thượng Đế và bắt đầu học Luật Pháp, các lời viết của các nhà tiên tri và các sách thánh khác. Một số người trở thành học giả, tức những người sao chép Thánh Kinh. Về sau những người ấy thành lập các trường dạy Thánh Kinh. Dân chúng bắt đầu họp lại vào ngày Sa-bát (tức ngày thứ bảy) để học, cầu nguyện, và thờ kính Thượng Đế chung với nhau. Họ học Thánh Kinh trong các hội đường và nhiều người bắt đầu trông mong Đấng Mê-si đến.
Vào thời bấy giờ, A-lịch-sơn đại đế chiếm quyền cai trị Hi-lạp và ít lâu sau thống trị toàn thế giới. Ông đưa ngôn ngữ, tập quán và văn hóa Hi-lạp đến nhiều nơi trên thế giới. Khi ông qua đời thì đế quốc ông bị phân chia. Ít lâu sau một đế quốc khác nổi lên và chiếm quyền kiểm soát phần lớn thế giới mà người ta biết đến lúc ấy, luôn cả vùng Pha-lét-tin, nơi người Giu-đa sinh sống.
Người La-mã, tức những kẻ cầm quyền mới rất tàn ác và hung dữ, còn dân Do-thái thì kiêu căng hợm hĩnh. Trong thời kỳ khốn khó ấy, nhiều người Do-thái trông mong Đấng Mê-si đến. Họ chỉ muốn Thượng Đế và Đấng Mê-si mà Ngài hứa sai đến cai trị mình. Họ không hiểu rằng Thượng Đế muốn cứu toàn thế giới qua Đấng Mê-si. Họ tưởng rằng chương trình của Thượng Đế chỉ cứu người Do-thái khỏi thế giới nầy mà thôi! Một số người Do-thái bằng lòng chờ đợi Thượng Đế sai Đấng Mê-si đến còn một số khác muốn “giúp” Thượng Đế thiết lập tân quốc gia của Ngài. Những người Do-thái nầy thuộc phe “Quá Khích.” Nhóm Quá Khích muốn tìm cách lật đổ người La-mã. Đôi khi họ giết cả những người Do-thái nào hợp tác với quân La-mã.
CÁC NHÓM TÔN GIÁO CỦA DO-THÁI
Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Luật pháp Mô-se đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với người Do-thái. Dân chúng đã học và tranh luận về Luật pháp. Họ hiểu Luật pháp theo nhiều cách. Có kẻ dám chết cho Luật ấy. Có ba nhóm chính trong vòng người Do-thái. Mỗi nhóm có một số chuyên gia (tức luật sư hay học giả).
Nhóm Xa-đu-xê
Một trong những nhóm ấy là nhóm Xa-đu-xê. Tên gọi nầy rất có thể ra từ tên Xa-đốc, tức là thầy tế lễ tối cao vào thời kỳ vua Đa-vít cai trị. Nhiều thầy tế lễ và một số người có thế lực thuộc nhóm nầy. Nhóm Xa-đu-xê chỉ chấp nhận Luật pháp (gồm năm sách của Mô-se) làm căn bản trong các vấn đề đạo giáo. Luật pháp dạy dỗ nhiều điều về các thầy tế lễ và các của lễ dâng hiến nhưng không dạy gì về cuộc sống sau khi qua đời. Vì vậy mà người Xa-đu-xê không tin rằng người ta có thể sống lại từ kẻ chết.
Nhóm Pha-ri-xi
Một nhóm khác gọi là Pha-ri-xi. Danh từ nầy do tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “giải thích” hay “biệt lập.” Những người thuộc nhóm nầy tìm cách dạy hay giải thích Luật Mô-se cho đám dân thường. Người Pha-ri-xi tin rằng có những truyền thống bằng miệng bắt đầu từ thời Mô-se. Họ cho rằng con người thuộc mỗi thế hệ đều có thể giải thích Luật pháp sao cho đáp ứng với các nhu cầu của thế hệ ấy. Như thế nghĩa là người Pha-ri-xi có thể chấp nhận không những Luật Mô-se mà còn chấp nhận luôn cả các sách tiên tri, các sách văn thơ, ngay cả đến các truyền thống của họ nữa. Vì thế họ rất thận trọng về những gì họ ăn hay đụng đến. Họ rất kỹ lưỡng trong việc rửa tay hoặc tắm. Họ tin rằng con người sẽ sống lại từ trong kẻ chết vì các nhà tiên tri đã nói đến điều đó.
Nhóm Ét-xin
Nhóm thứ ba là nhóm Ét-xin. Nhiều thầy tế lễ ở Giê-ru-sa-lem không sống đúng theo như Thượng Đế muốn. Ngoài ra, người La-mã đã bổ nhiệm nhiều thầy tế-lễ tối cao không đủ tư cách theo Luật Mô-se. Vì thế, những người thuộc nhóm Ét-xin cho rằng lối thờ phụng và dâng của lễ ở Giê-ru-sa-lem không đúng nên họ tách ra sống trong vùng sa mạc Giu-đia. Họ lập cộng đồng riêng, chỉ dành cho những người Ét-xin khác sống chung mà thôi. Nhóm Ét-xin nhịn ăn, cầu nguyện và chờ đợi Thượng Đế sai Đấng Mê-si đến để tẩy sạch đền thờ và chức vụ tế lễ. Nhiều học giả cho rằng nhóm Ét-xin có liên quan phần nào với Cộng Đồng ở Qumran và nhiều sách vở cổ xưa tìm được ở Qumran cùng các nơi khác trong vùng sa mạc Giu-đia.
TÂN ƯỚC
Thượng Đế đã bắt đầu kế hoạch của Ngài. Ngài chọn một quốc gia đặc biệt và lập một Giao Ước với dân tộc ấy để chuẩn bị cho họ hiểu công lý và sự nhân từ Ngài. Qua các nhà tiên tri và các thi sĩ, Ngài đã bày tỏ chương trình của Ngài muốn ban phước cho thế giới bằng cách thiết lập một quốc gia thiêng liêng, đặt trên một Giao Ước mới và tốt hơn. Chương trình nầy bắt đầu qua việc Đấng Mê-si mà Ngài đã hứa được sai đến. Các nhà tiên tri đã mô tả tỉ mỉ về sự đến của Ngài. Họ đã cho biết Đấng Mê-si sẽ sinh ra tại đâu, Ngài sẽ là người như thế nào và công tác Ngài ra sao. Đây là lúc mà Đấng Mê-si phải đến và bắt đầu Giao Ước Mới.
Những sách trong Tân Ước mô tả Giao Ước Mới của Thượng Đế sẽ được trình bày và thực hiện qua Chúa Giê-xu, Đấng Cứu Thế (nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu” hay Đấng Mê-si.) Các sách ấy dạy rằng Giao Ước Mới nầy dành cho tất cả mọi người, đồng thời cũng cho thấy những người sống trong thế kỷ thứ nhất đã hưởng ứng tình yêu của Thượng Đế và tham dự vào Giao Ước ấy. Các sách ấy cũng ghi ra những lời dạy dỗ cho dân Chúa về cách sống trên thế gian. Ngoài ra qua các sách trong Tân Ước chúng ta cũng biết về những lời hứa của Thượng Đế cho dân Ngài để đạt tới một cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa trên đất và cuộc sống chung với Ngài sau khi qua đời.
Các sách trong Tân Ước gồm 27 quyển do ít nhất 8 tác giả khác nhau viết ra. Tất cả các tác giả đều viết bằng tiếng Hi-lạp, một ngôn ngữ rất phổ thông trên thế giới vào thế kỷ thứ nhất. Hơn phân nửa số sách do bốn “sứ đồ” viết. Sứ đồ là những người được Chúa Giê-xu chọn để đại diện hay giúp đỡ Ngài. Ba trong số mười hai người ấy là Ma-thi-ơ, Giăng, và Phia-rơ là những nhân vật gần gũi nhất với Chúa Giê-xu trong khi Ngài sống trên đất. Phao-lô, một tác giả khác được Chúa Giê-xu chọn về sau nầy qua một sự hiện thấy kỳ diệu.
Bốn sách đầu tiên gọi là “Tin Mừng” tường thuật đời sống và sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nói chung các sách nầy chú trọng đến sự dạy dỗ của Ngài, mục đích của Chúa Giê-xu trên đất và ý nghĩa quan trọng về sự chết của Ngài chứ không phải chỉ ghi lại những sự kiện lịch sử liên quan đến đời sống Ngài mà thôi. Tin Mừng theo Giăng, sách cuối trong bốn sách nói trên cho thấy điểm nầy rất rõ. Nội dung của 3 sách Tin Mừng đầu tiên có nhiều điểm tương tự nhau. Thật ra thì nội dung của một trong 3 sách đầu được ghi lại trong một hoặc hai sách kia. Tuy nhiên mỗi tác giả của 3 sách nhắm vào một nhóm độc giả khác nhau cho nên họ viết theo các mục tiêu hơi khác nhau.
Sau bốn sách Tin Mừng là sách Công Vụ các Sứ đồ. Sách nầy ghi lại những biến chuyển lịch sử xảy ra sau cái chết của Chúa Giê-xu. Sách Công vụ mô tả tình yêu của Thượng Đế cho nhân loại được các môn đệ Chúa Giê-xu loan báo cho mọi người trên thế gian. Sách cho thấy nhờ sự loan truyền “Tin Mừng” nầy mà nhiều người sống trong nước Pha-lét-tin và đế quốc La-mã tiếp nhận niềm tin vào Chúa Cứu Thế. Sách Công Vụ các Sứ đồ do Lu-ca, một nhân chứng của hầu hết các biến chuyển mô tả trong sách ấy ghi lại. Lu-ca cũng là tác giả của sách Tin Mừng thứ ba. Hai sách do ông viết họp thành một đơn vị hợp nhất: Sách Sứ đồ tiếp nối câu truyện về đời sống Chúa Giê-xu.
Ngay sau sách Sứ đồ là một loạt các thư tín viết cho cá nhân hay các nhóm tín hữu Cơ đốc. Các thư nầy do những nhà lãnh đạo Cơ đốc như Phao-lô và Phia-rơ, hai trong số những môn đệ Chúa Giê-xu viết ra. Mục đích các thư nói trên là giúp cho các tín hữu thời bấy giờ đối phó với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra còn để thông báo, sửa chữa, dạy dỗ và khích lệ không những các tín hữu ấy mà cho tất cả tín hữu trong việc giữ niềm tin của họ, cuộc sống chung với nhau, và cuộc sống của họ trên thế gian.
Khải Thị, sách cuối cùng của Tân Ước, khác hẳn với các sách khác. Sách Khải Thị dùng ngôn ngữ theo nghĩa bóng và thuật lại những dị tượng mà Giăng, tác giả của sách đã được nhìn thấy. Nhiều nhân vật và hình ảnh trong sách giống như hình ảnh và nhân vật trong Cựu Ước. Muốn hiểu sách nầy phải so sánh với các sách trong Cựu Ước. Sách Khải Thị cho thấy sự đắc thắng cuối cùng của tín hữu đối với những sức mạnh của kẻ ác qua quyền năng của Thượng Đế và Chúa Cứu Thế Giê-xu, vị lãnh đạo và Đấng Trợ Giúp họ.
THÁNH KINH VÀ ĐỘC GIẢ THỜI HIỆN ĐẠI
Những ai đọc Thánh Kinh vào thời bây giờ phải hiểu rằng các sách nầy được viết ra cách đây hàng ngàn năm trước cho những người sống trong một nền văn hóa khác hẳn thời đại chúng ta. Nói chung, các sách trong Thánh Kinh đều chú trọng vào những nguyên tắc tổng quát, lúc nào cũng áp dụng được cho mọi thời đại, mặc dù những câu truyện lịch sử, những hình ảnh hay những tiêu chuẩn dùng trong các sách chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta biết ít nhiều về thời đại và văn hóa mà các tác giả ấy sinh sống. Chẳng hạn, Chúa Giê-xu thuật chuyện một người gieo giống vào đám ruộng có nhiều loại đất khác nhau. Đối với độc giả thời nay thì tình trạng nầy hơi lạ. Chúa Giê-xu chỉ dùng bài học ấy để áp dụng cho con người vào những địa điểm và thời gian khác nhau.
Các độc giả thời nay có thể nhận thấy thế giới thời Thánh Kinh hơi lạ. Những phong tục, thái độ, lối nói chuyện của người thời ấy có vẻ khác với thời nay. Muốn hiểu rõ chúng ta phải dùng những tiêu chuẩn theo thời kỳ và địa lý lúc bấy giờ để cân nhắc các sự kiện ghi trong Thánh Kinh chứ không thể dùng tiêu chuẩn thời nay. Ngoài ra chúng ta cũng nên biết rằng Thánh Kinh không phải là một sách khoa học. Kinh Thánh viết ra để ghi lại những biến chuyển lịch sử và trình bày tầm quan trọng của các biến chuyển ấy đối với mọi người. Những sự dạy dỗ của Thánh Kinh gồm những chân lý phổ thông và đại chúng, vượt quá lãnh vực khoa học. Dù ở thời đại tân tiến ngày nay, những lời giáo huấn ấy vẫn thích nghi vì đáp ứng đúng các nhu cầu thiêng liêng của con người là những nhu cầu không bao giờ thay đổi.
Muốn nhận được lợi ích khi đọc Thánh Kinh phải đọc một cách vô tư. Như thế người đọc sẽ thu lượm được những hiểu biết về lịch sử và văn hóa của thế giới thời xưa. Thánh Kinh còn giúp chúng ta học biết về đời sống và những sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu để trở nên môn đệ Ngài. Ngoài ra người đọc sẽ nhận được những hiểu biết sâu xa về mặt thiêng liêng cùng những bài học thực tế để có được một cuộc sống hữu ích và hạnh phúc. Những câu trả lời cho các nan đề của cuộc đời đều được giải đáp trong Thánh Kinh. Như thế ta thấy đây là một quyển sách nên đọc. Do đó những ai đọc Thánh Kinh với một tấm lòng cởi mở và khao khát sẽ có thể tìm được mục đích của Thượng Đế cho đời sống mình.